29/09/2013 08:45:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cùng với phát triển mạnh kinh tế biển, chúng ta phải đối mặt với tình trạng vi phạm pháp luật trên biển ngày càng gia tăng. Để khắc phục cần nâng cao hiệu quả phối hợp hoạt động giữa Cảnh sát biển với các lực lượng bằng nhiều giải pháp đồng bộ.
Diễn tập hiệp đồng giữa Hải quân và Cảnh sát biển.
Hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh, trật tự (ANTT) trên các vùng biển, đảo là một nội dung quan trọng trong công tác quản lý của Nhà nước ta. Theo đó, việc quản lý nhà nước về ANTT trên biển được thực hiện trên cơ sở quản lý theo ngành, lĩnh vực. Điều đó có nghĩa là, mỗi cơ quan quản lý nhà nước đảm nhiệm quản lý một (hoặc một số) lĩnh vực theo chức năng. Việc phối hợp giữa các ngành nói chung, giữa Cảnh sát biển (CSB) với các lực lượng nói riêng là yêu cầu khách quan nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trên biển.
Những năm qua, trên cơ sở nắm vững chức năng, nhiệm vụ và bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, CSB Việt Nam đã xây dựng tương đối đầy đủ hệ thống văn bản pháp lý và thực hiện phối hợp với các lực lượng đạt kết quả quan trọng. Kết quả đó đã góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp cả về lực lượng, thế trận và pháp lý để xử lý đúng pháp luật các hành vi phạm pháp trên biển; giải quyết nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn và các vấn đề an ninh phức tạp trên biển. Từ năm 1998 đến nay, CSB đã xua đuổi 4.500 tàu nước ngoài vi phạm vùng biển nước ta; xử lý hơn 130 tàu, thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền; phối hợp với lực lượng chức năng điều tra, khám phá 773 chuyên án, vụ án, bắt giữ hơn 1.458 đối tượng và thu giữ nhiều tang vật có giá trị…, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, giữ gìn ANTT, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác phối hợp giữa CSB với các lực lượng trên biển còn có mặt hạn chế, bất cập, nhất là về nội dung, hình thức phối hợp còn đơn giản, chưa đi vào chiều sâu, chưa sát thực tiễn, chưa đáp ứng tốt yêu cầu “kịp thời, chặt chẽ, sâu sắc, liên tục”. Đặc biệt, nhận thức, vai trò của người đứng đầu một số bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, nhất là trong việc cụ thể hóa các quy chế phối hợp của Chính phủ để vận dụng vào thực tiễn, nên hiệu quả phối hợp xử lý những tình huống phức tạp trên biển chưa cao.
Do vậy, để tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp hoạt động giữa CSB với các lực lượng, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó, tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các lực lượng hoạt động trên biển, nhất là cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) CSB về tầm quan trọng của công tác phối hợp hoạt động. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị định 66/2010/NĐ-CP, ngày 14-6-2010 của Chính phủ về Quy chế phối hợp thực hiện quản lý nhà nước giữa CSB và các lực lượng trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam; Quyết định 133/2002/QĐ-TTg, ngày 09-10-2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành “Quy chế phối hợp giữa lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, CSB và Hải quan trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy tại địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển”…, cần tiếp tục tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi người đối với công tác phối hợp trong tình hình mới. Nội dung giáo dục phải toàn diện, trong đó tập trung truyền đạt cho CB,CS những kiến thức cơ bản về pháp luật nhà nước; các quy chế pháp lý trên các vùng biển; chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng; tính chất phức tạp và điều kiện hoạt động khó khăn, khắc nghiệt trên biển; phạm vi, nhiệm vụ của CSB có tính chất đặc thù, rộng lớn, đa dạng, liên quan đến nhiều thành phần, lực lượng (cả trên bộ, trên biển)… Qua đó, làm cho mọi CB,CS trong toàn lực lượng nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng và sự cần thiết phải phối hợp hoạt động giữa các lực lượng trong thực thi pháp luật trên biển; xây dựng động cơ, tinh thần trách nhiệm cho mọi CB,CS trong hoạt động phối hợp với các lực lượng, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ. Trong quá trình giáo dục, phải coi trọng đổi mới về nội dung, đa dạng về hình thức, phù hợp với từng đối tượng; trong đó, lấy giáo dục thông qua rút kinh nghiệm từ thực tiễn phối hợp sau từng chuyên án, vụ việc trên biển làm chính. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục nâng cao nhận thức gắn với trách nhiệm (theo kết quả hoàn thành từng nhiệm vụ cụ thể) của CB,CS, nhất là của người đứng đầu đơn vị; khắc phục triệt để tư tưởng xem nhẹ công tác phối hợp, dẫn tới phối hợp thiếu chặt chẽ, toàn diện, không tạo được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn ANTT trên biển.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác phối hợp. Đây là nhân tố quyết định hiệu quả thực hiện các kế hoạch phối hợp và việc hoàn thành nhiệm vụ của từng lực lượng. Với nhận thức đó, Đảng ủy, chỉ huy Cục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, nhất là các chỉ thị, quy chế, kế hoạch phối hợp hoạt động giữa các lực lượng trên biển; trên cơ sở đó, cụ thể hóa thành nghị quyết chuyên đề cấp mình để lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị thực hiện. Để hoạt động phối hợp thực sự có hiệu quả, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp không chỉ dừng lại ở chủ trương, nghị quyết mà cần được cụ thể hóa bằng chương trình, kế hoạch, các chỉ tiêu cụ thể gắn với phân công trách nhiệm của từng cá nhân; trong đó, đặc biệt chú trọng phát huy vai trò của người đứng đầu. Trong quá trình thực hiện, từng cấp ủy phải có sự vận dụng sáng tạo chủ trương, quan điểm của Đảng vào tình hình đặc điểm của từng vùng biển; qua đó, có kế hoạch và đối sách phù hợp với từng đối tượng, thực hiện tốt phương châm “Kiên quyết, dũng cảm, khắc phục khó khăn, đoàn kết hiệp đồng, giữ nghiêm pháp luật”, phát huy tối đa sức mạnh của mỗi lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ trên biển. Đồng thời, thường xuyên coi trọng công tác tổng kết, đánh giá hoạt động thực tiễn làm cơ sở để tham mưu cho Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng chỉ đạo hoạt động phối hợp tiếp theo đạt hiệu quả, nhất là việc giải quyết các vấn đề phức tạp nảy sinh trong khu vực, địa bàn trọng điểm, nhạy cảm. Cùng với đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp phải duy trì nghiêm các chế độ kiểm tra, báo cáo; kết hợp chặt chẽ giữa kiểm tra định kỳ với kiểm tra đột xuất, giữa kiểm tra toàn diện với kiểm tra theo chuyên đề trong thực hiện quy chế, kế hoạch phối hợp; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình có thành tích, sáng kiến, cách làm hay và hiệu quả để hoạt động này trở thành phong trào thi đua sôi nổi trong toàn lực lượng.
Ba là, tích cực đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp phối hợp hoạt động giữa các lực lượng. Những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế, hoạt động kinh tế, giao thương trên biển diễn ra sôi động, phức tạp. Điều đó đặt ra yêu cầu cao đối với các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn ANTT trên biển. Vì vậy, việc đổi mới nội dung và đa dạng hóa các hình thức, biện pháp phối hợp giữa các lực lượng nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trên biển là vấn đề rất quan trọng.
Thực tế cho thấy, đổi mới phải dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mỗi lực lượng để tạo nên sức mạnh chung; thông qua phối hợp để hỗ trợ nhau tốt hơn, không làm cản trở đến các hoạt động hợp pháp trên biển của nhau; giúp cho các lực lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và làm cho môi trường an ninh trên biển ngày càng ổn định, phát triển. Công tác đổi mới trong hoạt động phối hợp phải bảo đảm tính toàn diện, chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ và hiệu quả, song phải tập trung có trọng tâm, trọng điểm, khâu quan trọng nhất. Trước hết, cần đổi mới về: trao đổi thông tin, phối hợp trong tuần tra, kiểm soát đấu tranh chống xâm phạm, vi phạm; xử lý vụ việc và cứu hộ, cứu nạn; tham mưu và xây dựng cơ chế, chính sách, các văn bản pháp luật; trao đổi kinh nghiệm, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn và công tác bảo vệ chính trị nội bộ, v.v.
Hiện nay, tình hình vi phạm pháp luật trên biển có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, cường độ và tính chất. Điều đáng quan ngại là những việc xảy ra trên biển có thể chỉ là biểu hiện phần ngọn, bề nổi của vấn đề, còn phần gốc lại nằm ở nơi khác (trên đất liền trong nước hoặc nước ngoài). Do đó, để nâng cao hiệu quả phối hợp, CSB và các lực lượng đều phải đổi mới nội dung và đa dạng, linh hoạt về hình thức, biện pháp phối hợp; kết hợp chặt chẽ giữa kế thừa những kinh nghiệm còn phù hợp với phát triển các hình thức, biện pháp phối hợp mới, như: tăng cường mở rộng các mối quan hệ mới; tích cực hợp tác quốc tế theo ngành; phối hợp diễn tập cứu hộ, cứu nạn, xử lý tình huống phức tạp trên biển với các lực lượng liên quan trong nước và khu vực; thiết lập đường dây nóng… Phạm vi hoạt động phối hợp không chỉ bó hẹp khi có vụ việc xảy ra mà cần mở rộng phối hợp cả trong hỗ trợ nâng cao năng lực và giao lưu, gặp gỡ, hội thảo... nhằm hiệp đồng chặt chẽ và thống nhất biện pháp phối hợp giữa các lực lượng cùng thực hiện nhiệm vụ. Trong quá trình phối hợp, luôn phải giữ vững tư tưởng chỉ đạo, phương châm, nguyên tắc, yêu cầu phối hợp; không ngừng nâng cao khả năng dự báo những tình huống chiến lược, chiến thuật để đưa ra những chủ trương, đối sách và biện pháp phối hợp mới, phù hợp với đặc điểm diễn biến thực tiễn hoạt động trên biển và sự phát triển nhiệm vụ của các lực lượng. Qua đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Cục trưởng Cục Cảnh sát biển